Giá trị dinh dưỡng trong yến sào

Yến sào không chỉ là một món ăn ngon mà còn chứa nhiều thành phần dinh dưỡng vi lượng thiết yếu mà cơ thể con người không tổng hợp được, mang lại lợi ích cho nhiều nhóm tuổi.

1. Dinh dưỡng trong yến sào

Yến sào được làm từ nước bọt của các loài chim yến sống trong hang. Khi thu hoạch tổ yến rất nguy hiểm, tốn nhiều công sức để chuẩn bị và lấy được. Chim yến sống trong các hang động đá vôi xung quanh Ấn Độ Dương, ở Nam và Đông Nam Á, Bắc Úc, Quần đảo Thái Bình Dương. Con đực chủ yếu xây dựng tổ và gắn chúng vào các bức tường thẳng đứng của hang động. Tùy thuộc vào loại tổ mà người ta có thể mất 8 giờ để làm sạch 10 tổ yến.

Trong khoảng 1.200 năm, người Trung Quốc đã ăn tổ yến như một món súp. Tổ yến được biết có giá trị dinh dưỡng và dược liệu cao như đặc tính chống lão hóa, chống ung thư đến khả năng cải thiện sự tập trung và tăng ham muốn.

Protein là thành phần phong phú nhất của tổ yến. Yến sào chứa tất cả các axit amin thiết yếu trong đó protein được tạo ra. Chúng cũng chứa sáu hormone, bao gồm testosterone và estradiol.

Tổ yến cũng chứa carbohydrate và một lượng nhỏ lipit (các phân tử xuất hiện tự nhiên bao gồm chất béo). Nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng tổ yến có chứa các chất có thể kích thích sự phân chia và phát triển của tế bào, tăng cường sự phát triển, tái tạo mô.

Tổ yến chứa nhiều axit amin thiết yếu cho cơ thể

Yến sào đem lại rất nhiều lợi ích về sức khỏe nhưng không phải ai cũng có thể sử dụng chúng. Bởi yến sào có thể gây ra một số phản ứng dị ứng, thậm chí là sốc phản vệ, đe dọa đến tính mạng.

Yến sào có hiệu quả tốt nhất khi được đem đi chưng cách thủy chứ không được nấu trực tiếp hoặc để sôi ở nhiệt độ 100 độ C. Yến sào chỉ nên được chế biến ở nhiệt độ vừa phải. Những bệnh nhân mắc rối loạn đường huyết như đái tháo đường hay viêm tụy cần hạn chế ăn yến sào hoặc xin ý kiến của bác sĩ.

2. Một số lợi ích của yến sào

2.1 Tăng cường hệ thống miễn dịch

Bất cứ khi nào bệnh nhân ung thư trải qua quá trình hóa trị thì cả tế bào tốt và xấu đều bị tiêu diệt. Một trong số những tế bào tốt đó là tế bào B – một loại tế bào bạch cầu tạo ra kháng thể bảo vệ bạn khỏi bệnh tật. Việc mất đi tế bào B khiến bệnh nhân trở nên dễ mắc phải nhiều loại bệnh.

Một nhóm các nhà nghiên cứu Trung Quốc tìm hiểu về khả năng ăn yến sào có thể tăng cường hệ miễn dịch. Vì vậy họ đã tiến hành một nghiên cứu để chuột bị nhiễm phóng xạ, sau đó cho chúng ăn yến sào để phục hồi. Kết quả cho thấy, yến sào có một loại protein nhất định giúp tăng tốc độ tạo ra các tế bào B, giúp tăng cường hệ thống miễn dịch của người bệnh.

Thành phần protein trong yến sào giúp tăng tốc độ tạo ra tế bào B trong cơ thể

2.2. Tăng ham muốn

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, trong nước bọt của chim yến có một loạt hormone, hai trong số đó là: testosterone và estradiol.

Testosterone là một nội tiết tố nam được sản xuất với số lượng đáng kể. Phụ nữ cũng sản xuất nó, nhưng ở mức độ thấp hơn nhiều. Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng testosterone làm tăng ham muốn tình dục, thúc đẩy tăng trưởng cơ bắp, góp phần giảm mỡ, cải thiện chức năng nhận thức và chống trầm cảm.

Estradiol: Yến sào chứa estradiol, một loại estrogen. Estradiol được sử dụng để điều trị các triệu chứng mãn kinh như bốc hỏa nóng bỏng và kích thích. Estradiol cũng được sử dụng để ngăn ngừa loãng xương và đã được chỉ định trong kế hoạch điều trị cho bệnh nhân ung thư.

2.3 Giúp đôi mắt khỏe

Khoa Giải Phẫu thuộc Đại học Quốc gia Malaysia đã chỉ ra rằng tổ yến có tác dụng giữ cho giác mạc khỏe mạnh sau khi trải qua các tổn thương hoặc bệnh tật, thông qua nghiên cứu trên những con thỏ vào năm 2011. Họ tiến hành tiêm huyết thanh tổ yến vào những con thỏ, và nhận thấy ở chúng sản xuất nhiều tế bào sợi hơn những con còn lại.

2.4. Yến sào có lợi với hệ tiêu hóa

Với trẻ em, hay những bệnh nhân mới ốm dậy thường có hệ tiêu hóa kém hơn. Yến sào là một thực phẩm dễ tiêu hóa và cung cấp nhiều dưỡng chất. Do vậy, khi sử dụng yến sào, người bệnh sẽ phục hồi nhanh hơn và cải thiện hệ tiêu hóa.

2.5. Yến sào có tác dụng cho phụ nữ sau sinh

Phụ nữ mang thai và sau sinh thường gặp rất nhiều vấn đề về sức khỏe như: rụng tóc, làn da xuống cấp… Để khắc phục được tình trạng này, đồng thời giúp thai nhi có làn da khỏe mạnh, thì phụ nữ mang thai nên ăn yến sào. Yến sào giúp mẹ bầu giảm rụng tóc, phục hồi nhanh sau sinh, ngủ ngon hơn. Tuy nhiên, phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu không nên ăn yến sào.

Ngoài ra, yến sào còn có tác dụng làm đẹp da, ngăn ngừa nếp nhăn và ngăn ngừa lão hóa.

Yến sào giúp cải thiện tình trạng rụng tóc sau sinh

3. Cách chế biến yến sào

Không ai có thể phủ nhận được các lợi ích của yến sào. Tuy nhiên, cách chế biến và cách ăn quyết định đến hiệu quả mà yến sào đem lại. Thậm chí, nếu chế biến sai cách có thể gây nên những hậu quả khôn lường như: nguy cơ bị dị ứng, phản tác dụng và phí tiền vô ích.

Lời khuyên khi ăn yến sào là bạn nên ăn khi bụng đang rỗng. Thời điểm thích hợp nhất để ăn yến sào là buổi sáng mới thức dậy, buổi tối trước khi đi ngủ 1 tiếng, giữa hai bữa ăn chính khi bụng còn rỗng. Yến sào sẽ giúp các cơ quan tiêu hóa khởi động nhẹ nhàng và hấp thu dưỡng chất vào cơ thể.

Mặc dù yến sào rất tốt, nhưng khi ăn quá nhiều gây dư chất dinh dưỡng sẽ bị cơ thể đào thải ra ngoài. Do vậy, khi ăn yến sào cần ăn vừa đủ để cơ thể hấp thụ một cách tốt nhất. Các chuyên gia khuyến cáo về liều lượng yến sào theo độ tuổi như sau:

  • Trẻ em 1 – 12 tuổi: 3g yến sào khô/lần
  • Trẻ vị thành niên và người lớn: 5g – 10g yến sào khô/lần
  • Phụ nữ mang thai: Phụ nữ mang thai tháng 4 – 7 có thể ăn trung bình 100g/tháng, dùng đều đặn cách ngày khoảng 7g/lần. Phụ nữ mang thai tháng 8 – 9 nên giảm liều lượng 70g/tháng, dùng cách ngày khoảng 5g/lần.
  • Người lớn tuổi: Yến sào đặc biệt tốt cho người lớn tuổi, đặc biệt là người già cần hồi phục sức khỏe sau khi đau ốm, phẫu thuật.
  • Người bình thường: Nếu bạn muốn tăng cường sức khỏe thì nên ăn yến sào lâu dài và đều đặn 2 lần/tuần với liều lượng khoảng 5g/lần là đủ.

Leave Comments

0982836252
0982836252